Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, gây lo ngại quốc tế do nghi ngờ có sự liên quan giữa nhiễm vi-rút Zika với các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do các bà mẹ bị nhiễm vi-rút Zika sinh ra và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi-rút Zika.
Bệnh do vi-rút Zika: những biểu hiện
Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn Aedes truyềnbệnh, có thể gây thành dịch. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con.
Vi-rút Zika thuộc họ Arbovi-rút, nhóm Flaviviridae, cùng nhóm với các vi-rút sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, Chikungunya, sốt vàng và sốt Tây sông Nile.
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt nhẹ 37.5°C đến 38°C; phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu; tuy nhiên có khoảng từ 60% đến 80% các trường hợp nhiễm vi-rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, ở những trường hợp có biểu hiện, bệnh thường khởi phát đột ngột. Bệnh có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mangthai.
Theo dõi và chăm sóc đối với người phụ nữ mang thai
Tất cả phụ nữ mang thai cần được khám thai, quản lý thai theo quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ CSSKSS: khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ (tại các thời điểm: lần đầu càng sớm càng tốt trong 3 tháng đầu, lần 2 trong 3 tháng giữa, lần 3 và 4 trong 3 tháng cuối). Nội dung khám thai theo hướng dẫn quốc gia.
Ngoài các nội dung khám thai thường quy, cần:
- Hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch;
- Khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh.
(Chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh giang mai, toxoplasmosis, cytomegalovi-rút, rubella, herpes, cũng là những nguyên nhân gây nhiễm trùng trong tử cung và dị tật bẩm sinh cho trẻ).
- Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ.
Lưu ý:
- Chẩn đoán tuổi thai chính xác nhất trên siêu âm là vào 3 tháng đầu. Chỉ có thể xác định được đầu nhỏ nếu đánh giá được chính xác tuổi thai.
- Trong bối cảnh dịch bệnh do vi-rút Zika, khi siêu âm cần chú trọng xác định đầu nhỏ ở thai nhi, và/hoặc các bất thường khác của não như giãn não thất, vôi hóa, teo não, không xác định được các bộ phận của não...
Khuyến cáo phòng tránh bệnh do vi-rút Zika ở phụ nữ mang thai
Các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh cho phụ nữ mang thai cũng giống như những khuyến cáo cho người dân nói chung.
Cán bộ y tế cần truyền thông, tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình về các biện pháp diệt muỗi, bảo vệ cá nhân để tránh muỗi đốt và phòng lây nhiễm Zika qua đường tình dục; đặc biệt là ở những vùng có xuất hiện ca bệnh, các thành phố lớn, du lịch phát triển mạnh, nơi có tỷ lệ sốt xuất huyết cao, mật độ muỗi lớn.
Phòng muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng):
- Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
- Lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào.
- Diệt muỗi, phá hủy tất cả các nơi muỗi có thể đẻ trứng, diệt bọ gậy (lăng quăng).
Phòng lây nhiễm qua đường tình dục:
Người chồng hoặc bạn tình của người phụ nữ mang thai, sống trong vùng dịch hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Tiêu chí để một phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm phát hiện vi-rút Zika
Những phụ nữ có đủ các yếu tố sau đây nên được xét nghiệm phát hiện vi-rút Zika:
- Mang thai trong 3 tháng đầu;
- Đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; hoặc chồng/bạn tình có xét nghiệm vi-rút Zika dương tính (+);
- Có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sau: đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt.
Danh sách các địa phương có dịch bệnh do vi-rút Zika và các cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm phát hiện vi-rút Zika được cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: [email protected]
(Trích theo Quyết định số 1223/QĐ-BYT ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế)