Hỗ trợ trực tuyến
support yahoo support skype
Hotline:
0966.291.010

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI VÀ TIÊM VẮC XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN TP. HCM

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI VÀ TIÊM VẮC XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN TP. HCM

Ngày 27 tháng 8 năm 2024 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch Sởi toàn Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, công tác chủ động phòng, chống bệnh Sởi là điều cấp bách cần triển khai, đó không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân và cần có sự phối hợp để có thể phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn Thành phố hiệu quả nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi chia thành 2 giai đoạn được tổ chức tại các trường học, các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện có tổ chức tiêm chủng…

- Giai đoạn 1: từ ngày 31/8 đến ngày 30/9/2024

- Giai đoạn 2: từ ngày 01/10 đến ngày 31/10/2024

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi – rút Sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 05 tuổi. Bệnh nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cao có thể gây dịch. Nếu không được chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

Phòng bệnh Sởi bằng các biện pháp như: hạn chế tiếp xúc gần người bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay, giữ vệ sinh da, mắt, mũi, họng… Nhưng cách phòng bệnh Sởi tốt nhất là chủ động tiêm vắc xin Sởi. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch, giúp trẻ phòng ngừa bệnh. Ngoài ra tiêm vắc xin Sởi còn giúp tạo miễn dịch cộng đồng, giúp cộng đồng phòng bệnh.

Phòng, chống dịch Sởi là trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt cần chú trọng, quan tâm đến nhóm đối tượng là giáo viên khối mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, trường tiểu học, cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin Sởi của trẻ và thông báo kịp thời cho cha mẹ/người giám hộ đưa trẻ đến điểm tiêm để được tiêm vắc xin sởi trong thời gian sớm nhất theo lộ trình nếu trẻ chưa tiêm vắc xin Sởi.

Ngoài ra nhóm đối tượng nhân viên y tế khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ để kịp thời tư vấn cho cha mẹ/người giám hộ trẻ đưa trẻ đi tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là vai trò của các nhân viên y tế trong lĩnh vực Nhi khoa. Đối với trẻ điều trị nội trú tại các cơ sở y tế cần có kế hoạch triển khai, tầm soát, sàng lọc tiền sử việc tiêm vắc xin Sởi của trẻ, lập danh sách can thiệp kịp thời.

Cha mẹ/người giám hộ trẻ là người nắm rõ nhất tình trạng sức khỏe của trẻ, cần quan tâm, chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin Sởi theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cần cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin: mũi 1 (9 tháng tuổi), mũi 2 (18 tháng tuổi). Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Tình hình bệnh Sởi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành công văn 6881/BYT-DP ngày 06/11/2024 về việc mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ đủ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi.

Dấu hiệu trẻ cần đưa đến cơ sở y tế: trẻ sốt cao, khó hạ sốt, li bì; ho dẫn tới khó thở, thở nhanh, thở rút lõm; tiêu ra máu; co giật, hôn mê.

Khi trẻ mắc bệnh cha mẹ/người giám hộ cần: cách ly trẻ bệnh, theo dõi sát chế độ ăn uống; không cần kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng gió đối với trẻ bệnh; dinh dưỡng, hạ sốt, giảm ho; theo dõi sát các biến chứng.

Tài liệu truyền thông về bệnh sởi:

 

1

2

 

Video hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc bệnh sởi:

https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=gYpIF8sS6UA&list=PLGPErPxsJvsxCPx6Fn8aHd7hARj2riJBb&index=15

 


Người viết : Tổ Truyền thông giáo dục sức khỏe (T3G) Bệnh viện huyện Nhà Bè - nguồn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC)

Go to Top
Đặt Khám Online