THÔNG TIN TỔNG HỢP VỀ PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC
1. Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 01/12: Hôm nay là ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. Năm nay Việt Nam lấy chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.Mỗi năm Việt Nam vẫn phát hiện trên 12.000 người mới nhiễm HIV, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có nhiều người nhiễm HIV ở khu vực châu Á - Thái Bình dương.Số người nhiễm HIV hiện còn sống được điều trị bằng ARV ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam ngày một lớn.Vì vậy, những hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS nhằm kêu gọi người dân không phân biệt đối xử với người bị HIV, bởi điều này sẽ làm hạn chế một số quyền cơ bản của con người như quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học hành, quyền được lao động và mưu cầu hạnh phúc.
2. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong khu vực về số người nhiễm HIV: Với hơn 220.000 người được báo cáo là nhiễm HIV, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan).Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại lễ míttinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, diễn ra tại Hà Nội sáng 30/11.Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.Mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 ca nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Nếu không tích cực kiểm soát và phòng chống thì đại dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại.
3. Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS: Với chủ đề “Một vòng tay - Không khoảng cách” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Thanh niên Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS dưới sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, và Chương trình phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), Chương trình hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS được tổ chức tối qua 30/11, tại khu Ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội). Tham dự chương trình có ông Đặng Minh Châu, Phó tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ông Kendall RePass, Trưởng đại diện Chữ thập đỏ Mỹ tại Việt Nam; Lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đại diện nhiều cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Ông Đặng Minh Châu thay mặt Thường trực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi mọi người chúng ta có những hành động thiết thực cùng chung tay với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hưởng chương trình ‘Một vòng tay - Không khoảng cách’ nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2014. Tại chương trình, thay mặt Ban tổ chức, ông Đặng Minh Châu đã gửi đi thông điệp: Tình hình nhiễm HIV/AIDS tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế được. Các biện pháp dự phòng nằm trong chính nhận thức và thực hành của mỗi công dân. Mỗi người hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình…Ngăn chặn HIV/AIDS là trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, của mỗi người dân và của toàn xã hội.
4. Hơn 70 ngàn người hưởng lợi từ dự án Chăm sóc, hỗ trợ và phòng chống HIV/AIDS:Dự án Chăm sóc, hỗ trợ và phòng, chống HIV/AIDS tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Sơn La) do Hội chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện từ năm 2008. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng được mô hình Phòng truyền thông, tư vấn đồng đẳng miễn phí về HIV/AIDS đặt tại một số bệnh viện – nơi đang điều trị cho bệnh nhân AIDS. Ngoài ra, Dự án còn triển khai các hoạt động tiếp cận cộng đồng tập trung vào nhóm có hành vi nguy cơ cao. Tổng cộng có 70.000 người đã được hưởng lợi từ Dự án này.
5. Viêm gan virus C - sát thủ thầm lặng: Tỷ lệ nhiễm viêm gan C ở Việt Nam thấp, chỉ chiếm 4-7% dân số nhưng lại tập trung ở những người tiêm chích ma túy. Đây là nguyên nhân gây ung thư gan và các bệnh về gan. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan virus và HIV ở Việt Nam hiện là 40-70%, gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, viêm gan B mạn tính chiếm 15-25% dân số, viêm gan C là 4-7%. Viêm gan C lây qua đường máu vì thế tỷ lệ đồng nhiễm virus này ở người nhiễm HIV rất cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian ủ bệnh viêm gan C từ 2 tuần đến 6 tháng. Sau lây nhiễm ban đầu, khoảng 80% người không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào. Những người có triệu chứng rõ ràng có thể biểu hiện sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân màu xám, đau khớp và vàng da (vàng da và vàng mắt).Khoảng 75-85% người nhiễm mới trở thành nhiễm virus mãn tính và 60-70% số này bị bệnh gan mãn tính; 5-20% phát triển thành xơ gan và 1-5% chết vì xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan C là nguyên nhân cơ bản của 25% bệnh nhân ung thư gan. Đây là loại virus được giới chuyên môn xem là "sát thủ thầm lặng". Hầu hết người bị nhiễm loại virus này không biểu hiện triệu chứng giai đoạn đầu, và có thể tới vài chục năm cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan thì mới biết mắc bệnh. Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, từ ngày 1-15/12, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ tiến hành sàng lọc viêm gan virus C miễn phí. Hoạt động này sẽ diễn ra từ 8h đến 16h hằng ngày, tại cơ sở 78 đường Giải Phóng và cơ sở xã Kim Chung, Đông Anh của Bệnh viện. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả sau một ngày.
6. Cả nước hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS: Cả nước hiện có hơn 224 nghìn trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và có hơn 70 nghìn trường hợp người nhiễm HIV/AIDS chết từ khi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm HIV/AIDS. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV; giảm số người tử vong do AIDS... Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, mỗi năm cả nước vẫn có khoảng 10 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật.Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011- 2015, năm 2014, Việt Nam chọn chủ đề "Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" để thẳng thắn nhìn vào sự thật tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang hết sức nặng nề. Phân biệt đối xử đang tồn tại ở các mức độ khác nhau từ gia đình đến cộng đồng.Ðại dịch HIV/AIDS chỉ có thể chấm dứt khi không còn sự phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.Nhân dịp này, Bộ Y tế kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội và mỗi người dân cần có trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ðồng thời, có những hành động thiết thực thực hiện mục tiêu ba không và mục tiêu 90-90-90 mà LHQ phát động để hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030...
7. Hơn 3.000 người tham gia mít tinh phòng, chống HIV/AIDS: Hơn 3.000 người đã tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS, do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức vào sáng 30-11, tại Hà Nội.Mục tiêu của buổi mít tinh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các cấp, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân về dự phòng lây nhiễm HIV, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.Theo Bộ Y tế, hiện nước ta có khoảng 260 nghìn người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong số đó chỉ có khoảng 56% người biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức cao khoảng 12.000 – 14.000 ca mỗi năm.
8. Tình trạng kỳ thị với bệnh nhân AIDS còn rất nặng nề: đó là khó khăn, thách thức lớn hiện Việt Nam đang gặp phải. Theo đại diện Bộ Y tế, đồng thời là thành viên của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, vấn đề kỳ thị người mắc căn bệnh thế kỷ AIDS vẫn còn rất phổ biến trong cộng đồng. Thực trạng cho thấy, tâm lý e dè,kỳ thị người mắc bệnh vẫn còn rất nặng nề.
9. Nếu không hành động, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại Việt Nam: Mỗi năm, tại Việt Nam vẫn còn khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện. Đây là nguy cơ quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS nếu chúng ta không có biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát và đối phó với tình hình. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” ngày 30/11.Theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Đến nay, thế giới có trên 35 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 39 triệu người đã tử vong do AIDS.Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.Thời điểm hiện tại, toàn quốc đã có 224.223 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống. Tuy Việt Nam là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới nhưng tình hình lây nhiễm HIV vẫn diễn biến phức tạp. HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Trong khi đó sự đầu tư cho công tác này đang có xu hướng giảm dần. Đây là một khó khăn vô cùng lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS.
10. Hà Nội nỗ lực để không còn người nhiễm mới HIV: Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2014, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, Hà Nội đã kiềm chế được tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV và người nghiện ma túy mới; công tác phòng, chống mại dâm được quan tâm, chỉ đạo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đạt nhiều kết quả, giảm đáng kể về số lượng tụ điểm phức tạp, trọng điểm về ma túy. Hiện nay, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống khoảng 21.330 người; số bệnh nhân AIDS hiện đang còn sống khoảng 5.280 người. Tại Hà Nội, đến nay 100% số quận/huyện, 92% số xã/phường/thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS.Sự tham gia của đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng đã góp phần quan trọng trong triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Từ đầu năm đến nay, 346 tuyên truyền viên đồng đẳng đã tiếp cận được hơn 9000 lượt người nghiện ma túy và hàng nghìn lượt phụ nữ mại dâm, tiếp viên nhà hàng… để truyền thông, cấp phát sản phẩm can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích và qua đường tình dục. Thành phố vẫn duy trì 6 điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 6 quận, huyện, thị xã (Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Sơn Tây) với tổng số 1.643 bệnh nhân đang được điều trị. Bên cạnh 21 phòng khám ngoại trú điều trị kháng vi-rút (ARV) cho người lớn, công tác chăm sóc và điều trị cho trẻ em cũng được tăng cường với 3 cơ sở điều trị ngoại trú cho trẻ em đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Phòng khám ngoại trú Hà Đông và một trung tâm giáo dục lao động xã hội. Chất lượng điều trị tại các phòng khám ngoại trú được cải thiện với 90% bệnh nhân duy trì điều trị ARV sau 12 tháng, phối hợp tốt trong điều trị lao và HIV.Trên địa bàn thành phố hiện có 20 phòng tư vấn xét nghiệm. Chất lượng xét nghiệm đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Hà Nội đang triển khai đồng bộ, quyết liệt để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
11. TP.Hồ Chí Minh: Mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS: Điều trị bằng ARV – thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS mang lại nhiều lợi ích. Sắp tới Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đề án điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS theo phương thức xã hội hóa. Theo đó những bệnh nhân có CD4<350 (CD4 còn gọi là là tế bào T- heper cell để tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, số lượng tế bào thấp, sức đề kháng của cơ thể càng thấp) vẫn tiếp tục được điều trị sớm miễn phí, còn những người có CD4>350 sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ nhưng bỏ tiền mua thuốc với chi phí chỉ hơn một triệu đồng mỗi năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, khi điều kiện cho phép, thành phố nên mở rộng việc điều trị, chẳng hạn từ CD4<500 là đã được điều trị bằng ARV. Riêng các bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, gái mại dâm…) và các bệnh nhân vùng sâu vùng xa có thể được điều trị ARV ngay mà không cần quan tâm đến CD4.
12. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngPhấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020: Sáng 1-12, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức lễ mít tinh nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để hướng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và triển khai tầm soát viêm gan C miễn phí. Tại buổi mít tinh, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trưởng tiểu ban điều trị HIV/AIDS cho biết: “Chuyên đề đầu tiên được chúng tôi thực hiện là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”để mọi người có thể cởi mở tấm lòng; tự tin đến các cơ sở y tế để được tư vấn, phát hiện và điều trị sớm. Hy vọng với phong trào và cách thức điều trị mới, số người được tiếp cận điều trị ở Việt Nam sẽ tăng lên nhiều. Chúng ta sẽ cố gắng đạt được tiêu chí 90-90-90 vào năm 2020 như cam kết với các tổ chức quốc tế”.Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn giới thiệu quy trình tư vấn xét nhiệm tầm soát viêm gan C. Theo đó, việc tầm soát viêm gan C được thực hiện theo quy trình: Tiếp đón, tư vấn trước khi xét nghiệm, lấy máu xét nghiệm và nhận xét kết quả tư vấn sau xét nghiệm.Hoạt động tầm soát viêm gan C miễn phí được thực hiện từ ngày 1-12 đến 15-12 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 78 đường Giải Phóng và cơ sở tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
1. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra hướng dẫn mới phòng ngừa HIV/AIDS: WHO vừa đưa ra những hướng dẫn mới về việc phòng ngừa HIV/AIDS tập trung vào việc sử dụng thuốc kháng virus khẩn cấp đối với những trường hợp phơi nhiễm HIV. Theo Bác sĩ Gottfried Hirnschall, Giám đốc phụ trách phòng chống HIV của Tổ chức Y tế thế giới, hướng dẫn mới về phòng ngừa HIV/AIDS sẽ tập trung vào việc sử dụng ARV, thuốc kháng virus HIV để phòng ngừa sau phơi nhiễm. Những hướng dẫn này sẽ đưa ra các khuyến nghị mới, cập nhật hơn so với bộ hướng dẫn được WHO đưa ra năm 2013. Việc làm này được cho là rất cần thiết, vì hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm HIV và cách xử lý khi gặp tình trạng phơi nhiễm sẽ giúp hạn chế được phần nào những tai nạn, rủi ro không đáng có. Ông DR. Gotteried Hinschall, Giám đốc phụ trách phòng chống HIV/AIDS của WHO, cho biết: “Những hướng dẫn được WHO đưa ra khuyến cáo người bị phơi nhiễm với HIV có thể sử dụng thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để giảm tối đa khả năng lây nhiễm”. Cụ thể hơn, để có hiệu quả phòng ngừa cao nhất, liều thuốc ARV đầu tiên phải được uống trong vòng 72 giờ kể từ sau khi phơi nhiễm. Ông Hirnschall cũng đánh giá cao những phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc giải quyết nhu cầu của những người nhiễm HIV/AIDS.
2. Người đàn ông đầu tiên được chữa khỏi HIV giờ ra sao?Sau 13 năm đấu tranh và thoát khỏi căn bệnh thế kỷ, Timothy Ray Brown vẫn là trường hợp duy nhất thoát khỏi HIIV, nhưng yếu tố nào giúp anh chiến thắng vẫn còn nhiều bí ẩn. Anh được phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 1995 khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trường đại học ở Berlin, Đức. Khi biết mình dương tính với HIV, Brown kể anh đã rất sốc và nghĩ rằng chỉ có thể sống được vài năm nữa bởi thời điểm đó, không có biện pháp chữa trị cho HIV.Tuy vậy, sau khi chấp nhận các loại thuốc chữa trị, hơn 10 năm sau đó, mọi thứ vẫn rất ổn với Brown. Cho đến năm 2006, anh bắt đầu ốm yếu và đi lại khó khăn. Bác sĩ lại chẩn đoán anh bị bệnh bạch cầu dạng nguy hiểm.Tiến sỹ Geru Huetter, bác sĩ điều trị trực tiếp cho Brown đã quyết định thử cách điều trị mới cho Brown bằng cách cấy ghép tế bào tủy gốc thay thế. Huetter hy vọng việc cấy ghép thành công sẽ giúp hệ thống miễn dịch bị tổn thương với HIV của Brown sẽ được thay thế bằng tủy có thể chống virus, đồng thời bệnh bạch cầu sẽ được chữa trị.Trong hơn 2,5 triệu người hiến tủy ở Đức, bác sĩ Huetter tìm thấy 267 tế bào phù hợp với Brown và cũng có một tế bào đột biến. Nhưng hiệu quả của việc cấy ghép đầu tiên không kéo dài, bệnh ung thư của Brown trở lại. Một người Đức sống ở Mỹ đồng ý hiến tủy lần thứ hai.Tuy nhiên, lần này bác sĩ Huetter cảnh báo việc cấy ghép lần hai có thể dẫn đến tử vong. "Tôi trở nên mê sảng, không thể đi lại và không tự chủ được," Brown nhớ lại khi một nhà điều trị vật lý bảo nâng chân trái nhưng anh lại nâng chân phải lên. "Tôi không thể phân biệt được", anh nói.Brown đã phải dành phần lớn thời gian của năm 2008 để điều trị tại bệnh viện. Cuối cùng, nhiều lần xét nghiệm cho thấy virus HIV không còn được tìm thấy trên cơ thể anh.
Tuy thành công, nhưng các chuyên gia nghi ngờ có một số virus vẫn tiềm ẩn trong một số tế bào của Brown. Trước đó, chính anh cũng không thể tin là mình đã được chữa khỏi cho tới khi tiến sĩ Huetter công bố một báo cáo về kết quả điều trị của anh trên Tạp chí thuốc New England vào năm 2009.
Hiện tại, Brown đã 48 tuổi và đang quay trở lại quê hương để giúp đỡ Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson. Đồng thời, anh còn đi khắp nơi kể câu chuyện của mình và tạo niềm tin cho những người cũng mắc bệnh như mình.
Đến nay, Timothy Ray Brown là trường hợp duy nhất đã hoàn toàn thoát khỏi virus HIV. Tuy nhiên, yếu tố nào đã giúp ông Brown thoát khỏi căn bệnh thế kỷ vẫn là điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm.